Ngủ Hay Bị Bóng Đè: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Bóng đè không phải là một loại bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên nó cũng ít nhiều tác động đến hệ thần kinh của bạn. Vì vậy chúng ta cần chủ động nhận biết các dấu hiệu khi ngủ hay bị bóng đè và tìm cách phòng ngừa, khắc phục hiệu quả.
Hiện tượng bóng đè khi ngủ
Bóng đè tên tiếng anh là Sleep Paralysis (liệt thân khi ngủ) là tình trạng toàn thân không thể cử động được, không nói năng được gì mặc dù tinh thần vẫn tỉnh táo. Hiện tượng này thường xảy ra khi có sự chuyển giao giữa các giai đoạn thức và ngủ.
Bóng đè được coi là một dạng bệnh lý ít nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nó có thể nhanh chóng được kiểm soát. Tuy nhiên khi rơi vào trạng thái này, nhiều người cảm thấy lo âu, sợ hãi.
Dấu hiệu khi ngủ bị bóng đè
Bóng đè thường xuất hiện khi chúng ta sắp tỉnh giấc hoặc vừa bước vào giấc ngủ. Biểu hiện khi bị bóng đè như sau:
- Mắt chuyển động nhanh nhưng cơ thể mất khả năng kiểm soát về vấn đề di chuyển của chân tay trong vài giây hoặc vài phút; không thể nói chuyện.
- Cơ thể rơi vào trạng thái bất động nhưng não bộ vẫn có thể nhận thức khiến người bị bóng đè xuất hiện cảm giác sợ hãi, áo giác về cái chết.
- Nhiều người có cảm giác tức ngực, khó thở như có vật nặng đè lên người.
- Cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, người cảm thấy buồn bã, lo lắng.
- Một số người có biểu hiện nói mớ, mất nhận thức tạm thời.
Xem thêm: Nằm Ngủ Hay Bị Giật Mình Có Sao Không?
Đối tượng có nguy cơ bị bóng đè cao
Thực tế cho thấy, những người có sức khỏe tốt, tinh thần lạc quan rất ít khi ngủ bị bóng đè. Hoặc nếu có thì biểu hiện cũng ít nghiêm trọng và nhanh chóng chấm dứt. Vậy những đối tượng nào có nguy cơ cao ngủ hay bị bóng đè:
- Người hay mệt mỏi, cơ thể rơi vào trạng thái ngủ rũ, giống như một dạng rối loạn thần kinh dẫn đến mất khả năng kiểm soát giấc ngủ và mức độ tỉnh táo.
- Người có giấc ngủ không ổn định, thường bị mất ngủ vào ban đêm và muốn ngủ nhiều vào ban ngày.
- Người hay nằm tư thế sấp khi ngủ.
- Người có biểu hiện trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn tiền đình, huyết áp cao…
- Người trẻ tuổi và thanh thiếu niên thường hay bị bóng đè nhiều nhất.
- Người có giấc ngủ không theo nhịp sinh học, thường làm ca kíp…
Cách để giải cứu mình khỏi tình trạng bóng đè khi ngủ
Khi rơi vào tình trạng bóng đè, bạn hoàn toàn có thể nhận thức được việc mình đang bị bóng đè. Lúc này bạn cần thực sự bình tĩnh, giữ cơ thể ở trạng thái thư giãn, kiểm soát nỗi sợ hãi và thực hiện các phương pháp sau để tự giải cứu mình khỏi bóng đè khi ngủ.
Cố gắng cử động nhẹ nhàng
Khi ngủ bị bóng đè, việc cử động đối với bạn sẽ thực sự khó khăn. Tuy nhiên nếu cố gắng thực hiện một vài cử động nhẹ nhàng thì bạn có thể nhanh chóng thoát khỏi cảm giác tê cứng. Bạn thực hiện cử động ở các vị trí sau:
- Vận động nhẹ nhàng ở các đầu ngón tay, ngón chân và cố gắng nắm chặt lòng bàn tay hết sức có thể.
- Vận động cơ mặt bằng cách tạo ra các biểu hiện nhăn nhó và làm nhiều lần như vậy liên tiếp.
Giữ bình tĩnh và thở đều
Cách để bạn nhanh chóng kết thúc tình trạng bóng đè đó là giữ bình tĩnh và thở đều. Nếu bạn vùng vẫy trong sợ hãi thì sẽ gia tăng áp lực lên vùng ngực và khiến bạn có cảm giác như có vật gì đó đè nặng ở ngực.
Tạo tín hiệu để người khác đánh thức
Khi bóng đè ập đến, nếu bạn đang nằm cạnh người khác thì ra tín hiệu để họ đánh thức bạn. Bạn có thể phát ra âm thanh từ cổ họng, ngoài ra cố gắng ho khan để thoát khỏi bóng đè.
Tham khảo: Ngủ Dậy Bị Ù Tai: Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị
Tránh việc chống lại hay vùng vẫy
Việc chống lại hay vùng vẫy sẽ khiến cho cơ thể bạn cực kỳ mệt mỏi sau khi thức tỉnh. Do đó nếu bạn bị cơn bóng đè nặng cuốn đi thì bạn cần giữ tinh thần ổn định và bình thản nhất có thể.
Làm thế nào để tránh bị bóng đè khi ngủ?
Hiện tượng bóng đè thường chỉ xuất hiện khi cơ thể rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi. Vì vậy để tránh ngủ hay bị bóng đè thì bạn chỉ cần giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh và tinh thần thoải mái. Sau đây là một số thói quen giúp bạn hạn chế bị bóng đè khi ngủ:
Ngủ đủ giấc: Vô cùng quan trọng trong việc giúp tinh thần ổn định, cơ thể tràn đầy năng lượng.
Nghỉ trưa ngắn: Giấc ngủ trưa ngắn trong vòng 30 phút có thể giúp tinh thần thoải mái, thư giãn.
Chú ý tâm trạng: Luôn giữ cho tâm trạng được vui vẻ, lạc quan, loại bỏ hết mọi buồn bực, cẳng khi đi vào giấc ngủ.
Thực hiện các thói quen lành mạnh: Tránh việc thức khuya, dậy muộn, tránh sử dụng các chất kích thích, tập thể dục thể thao.
Môi trường ngủ: Sử dụng gối có độ cao vừa phải, nằm đệm êm ái, nhiệt độ phòng ngủ phù hợp.
Trang phục khi ngủ: Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, tránh bó sát hoặc thoát nhiệt kém.
Bóng đè tuy không nguy hiểm nhưng nó cũng là nguyên nhân dẫn đến một số loại bệnh lý khác liên quan đến hệ thần tinh. Do đó khi bị bóng đè bạn nên xem lại thói quen sinh hoạt của mình và có sự điều chỉnh để đưa nó về trạng thái cân bằng.